Thursday, October 2, 2008

Người Việt Khắp Nơi Ủng Hộ
Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006
Của 118 Nhà Đấu Tranh Dân Chủ Quốc Nội.


Ngày 18/04/2006

Chỉ Sau Một Tuần Đã Có Gần 10,000 người ủng hộ
Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006.
Con Số Sẽ Còn Tiếp Tục Tăng.


Trần Nhật Kim – Nguyễn Quốc Khải
Vietnam Review
16.04.2006

Vào ngày 8 tháng 4 năm 2006, nhiều nhà dân chủ quốc nội Việt-Nam đã công bố bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt-Nam 2006, mười ngày trước khi Đảng CSVN nhóm họp Đại Hội X. Vì bị bao vây và cô lập, những nhà đấu tranh ở quốc nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên lạc và phối hợp hoạt động. Tuy nhiên, trong danh sách sơ khởi với 118 tên, chúng ta nhận thấy có những người đấu tranh lão thành được nhiều người Việt trong và ngoài nước biết đến như các ông Hoàng Minh chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Chính Kết, Trần Khuê, Hoàng Tiến, Trần Dũng Tiến; những nhân vật trẻ tuồi can trường như Nguyễn Văn Đài, Vũ Thúy Hà (phu nhân của BS Phạm Hồng Sơn đang bị giam trong tù), Đỗ Nam Hải, Nguyền Khắc Toàn, Trần Mạnh Hảo; những nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính như LM Nguyễn Hữu Giải, LM Phan Văn Lợi, LM Nguyễn Văn Lý, MS Nguyễn Hồng Quang, MS Phạm Ngọc Thạch, LM Chân Tín, Cụ Lê Quang Liêm.

Cuộc đấu tranh này đang lan rộng trong quần chúng. Do đó, danh sách có những người ít biết đến hơn và ngày càng dài ra, nhưng vẫn chỉ là phần nổi của phong trào dân chúng đòi tự do dân chủ tại quốc nội. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng cho một tương lai sáng lạn khi mà đất nước thoát khỏi nạn độc tài tham nhũng và bất công hiện nay.

Tóm tắt một số điểm chính của bản ‘Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 Cho Việt-Nam Của 118 Nhà Đấu Tranh Dân Chủ Quốc Nội’:

Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ có những điểm chính sau đây:

* Trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945, sự lựa chọn của toàn Dân tộc ta là Độc lập Dân tộc, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng mục tiêu của cuộc cách mạng ấy đã bị đảng Cộng sản Việt Nam đánh tráo. Và dĩ nhiên, Quyền Dân tộc tự quyết cũng hoàn toàn bị thủ tiêu.

* Tất cả những quyền thiêng liêng của dân tộc (quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc) đều bị chà đạp thô bạo ngay sau khi chính quyền cộng sản được dựng lên.

* Chính hệ thống quyền lực không hề chấp nhận cạnh tranh và không hề chấp nhận bị thay thế này đã thúc đẩy mạnh mẽ đà thoái hoá, biến chất của toàn bộ hệ thống ấy. Bộ máy lãnh đạo, quản lý và điều hành do vậy ngày càng hư hỏng, rệu rã từ trung ương xuống cơ sở địa phương. Vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính vì đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Đất nước.

* Mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Dân tộc hôm nay là làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được “đổi mới” từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xảy ra. Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh.

* Phương pháp của cuộc đấu tranh này là hòa bình, bất bạo động. Và chính Dân tộc Việt Nam chủ động thực hiện cuộc đấu tranh này.

* Ý nghĩa của cuộc đấu tranh này là làm cho chính nghĩa thắng phi nghĩa, tiến bộ thắng lạc hậu, các lực lượng dân tộc đang vận dụng đúng quy luật của cuộc sống và xu thế của thời đại thắng những tà lực đang tìm cách đi ngược lại những xu thế và quy luật ấy.

Kiến Nghị Ủng Hộ 'Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt-Nam 2006 Cho Việt-Nam’


Trong vòng 2 ngày cuối tuần, hơn một trăm người Việt hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội đã tiên phong ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ của 118 nhà đấu tranh dân chủ quốc nội Việt-Nam.

Trong số những người hải ngoại chúng ta nhận thấy có các nhà tranh đấu được quốc tế biết đến như các ông Nguyễn Minh Cần, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chí Thiện; những nhà trí thức được kính trọng như LS Lâm Lễ Trinh, LS Nguyễn Hữu Thống, TS Võ Nhân Trí, GS Tôn Thất Thiện, BS Nguyễn Tường Bách, TS Âu Dương Thệ, GS Vũ Thiện Hân, Thẩm Phán Phan Quang Tuệ, GS Đỗ Quý Toàn, BS Nguyễn Tiến Cảnh, KS Đỗ Như Điện, KS Lê Minh Nguyên, GS Nguyễn Thanh Trang; những nhân vật trẻ đầy nhiệt huyết như LS Nguyễn Quốc Lân, Phân Tách Gia Tài Chánh Hoàng Tư Duy, KS Đoàn Việt Trung, Phân Tách Gia Tài Chánh Lữ Anh Thư; KS Trần Quốc Dũng; Những Nhà Văn Nhà Báo như Trương Anh Thụy, Chu Bá Yến, Đinh Quang Anh Thái, Trần Việt Hải, những nhà lãnh đạo tôn giáo ở hải ngoại như HT Thích Nguyên An, TT Thích Nguyên Trí, LM Nguyễn Hữu Lễ, LM Trần Xuân Tâm, MS Đặng Ngọc Báu. Còn rất nhiều người tâm huyết không sao kể hết.

Bản kiến nghị này đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt-Nam đưa lên liên mạng để mọi người ở khắp nơi trên thế giới có thể ghi tên ủng hộ. Sau đây là địa chỉ:


Bản tiếng Anh cho những người bạn quốc tế của Việt-Nam:


Hoặc mạng tin tức:

Đồng Bào Khắp Nơi Nghĩ Gì Về Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 ?


Sau khi khởi đầu chiến dịch kêu gọi mọi người Việt ủng hộ bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt-nam của 118 nhà đấu tranh dân chủ quốc nội, tính đến 9 giờ tối ngày thứ Ba 18/4 (giờ Việt-Nam) đã có hơn trên 2,700 người ghi tên ủng hộ bản Tuyên Ngôn 2006 này qua mạng lwww.petitiononline.com, www.VietnamReview.com, và www.danchimviet.com. Con số này không bao gồm 126 người tiên phong hỗ trợ bản Tuyên Ngôn khi tài liệu này mới chuyển từ trong nước ra hải ngoại.

Ngoài ra, một điểm rất đáng chú ý là có nhiều trường hợp, đồng bào trong nước đã ủng hộ tập thể, không tính vào số người 2,700 ghi danh cá nhân ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt-nam kể trên. Chúng tôi rất tiếc là không thể kiểm chứng số người đồng ý ủng hộ, nhưng chúng tôi tin sự kiện này là thực. Sự hưởng ứng tập thể này của đồng bào trong nước là dấu hiệu tốt đẹp. Đó là niềm hi vọng lớn lao. Sau đây là danh sách các nhóm ký chung tính đến 9 giờ đêm ngày 18.04.2006 (giờ Việt-Nam) với tổng cộng 6,907 người.
150 công nhân Bình Dương.
250 giáo dân dòng thánh Giuse Nha Trang
1,500 công nhân Đồng Nai.
1,000 sinh viên Đại Học Tổng Hợp TP/HCM..
216 phật tử Gò Vấp, Saigon.
252 gia đình giáo dân Nguyệt Biểu, An Truyền.
412 cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân.
216 gia đình giáo dân Bến Đá, Vũng Tầu.
216 cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân.
347 sinh viên Đại Học Sư Phạm Qui Nhơn.
751 nông dân, công nhân thợ hồ, Thái Bình.
357 sinh viên Đại Học Tổng Hợp Đà Nẵng.
257 gia đình phật tử, An Giang.
549 gia đình công giáo, Bà Rịa.
247 gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, An Giang.
17 gia đình dân tộc HRE tìn đồ Tin Lành, Quảng Ngãi.
25 học sinh Trung Học Lê Hồng Phong, Saigon.
11 học sinh Trung Học Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi.
17 học sinh Trung Học Quang Trung, Qui Nhơn.
117 cựu chiến binh, Hà Tây.
Công chung cả hai nhóm người này là 9,607. Sự nhiệt thành của cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới chứng tỏ lòng khát khao tự do dân chủ và sự chán ghét chế độ độc tài tham nhũng hiện nay ở Việt-Nam. Nhiều người đã phát biểu cảm tưởng về bản Tuyên Ngôn 2006 trên PetitionOnline.Com và VietnamReview.Com.

Đồng bào ở hải ngoại nghĩ gì?


Bà Nguyễn Kim Anh, Texas, Hoa-Kỳ viết: “Hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên Ngôn Dân Chủ cho Việt-Nam 2006. Chính nghĩa sẽ thắng bạo tàn. Nguyện xin thượng đế luôn phù trợ và hướng dẫn các nhà đấu tranh vì hạnh phúc của con người.”

Ông Trần Nam cư ngụ tại St. Yrieix, Pháp viết: “Xin hân hạnh được ký vào bản Tuyên Ngôn trên đây và hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006 và tinh thần của 118 anh hùng đã ký trong bản Tuyên Ngôn này. Kính cẩn: Trần Nam.”

Bà Fang Nguyễn, Hoa-Kỳ, viết: “Tôi rất vui mừng và hoàn toàn ủng hộ cho tiếng nói tự do của người dân trong nước, đã đến lúc bạo lực không còn là nỗi sợ hãi nữa, nhưng ngược lại chính nghĩa là ánh sáng xua đuổi bóng tối đen của hung tàn, và thắp lên ngọn đuốc tranh đấu cho quyền hạn tối thiểu của một con người và còn hơn thế nữa. Nếu có thể trong lãnh vực nào đó tôi tình nguyện góp tay góp sức dẹp tan cái lũ cướp cộng sản, quét sạch những nhơ nhớp khỏi bờ cõi nước nhà, mang lại công bình và pháp luật nghiêm minh trên mọi nguòi. Mong thay những tiến trình tranh đấu được mau chóng có kết quả.”

Ông/Bà Nguyễn H. Kim, một giáo chức ở Orange County, California, Hoa-Kỳ viết: "Xin cúi đầu ngưỡng phục lòng can đảm và gương hy sinh của 118 nhà đấu tranh tại VN. Và xin hoàn toàn ủng hộ Tuyên Ngôn này."

Hoa T. Lai, một chuyên viên điện toán ở Loundoun, Virginia, Hoa-Kỳ viết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ 'Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt-Nam' và rất cảm phục sự can đảm và hy sinh của bất cứ ai đã coi nhẹ sự an nguy của chính mình, gia đình mình để nói lên tiếng nói của lương tâm con người. Đây là cuộc tranh đấu thuần túy của nhân dân Việt Nam cho nhân dân Việt Nam và tôi muốn được hòa hơi thở của tôi trong cuộc tranh đấu bền bỉ này của đồng bào tôi."

TS Giáo Sư Hàn Lâm Lê Mộng Nguyên, Paris, Pháp quốc, viết: “Từ ngày nước mất nhà tan, tôi chỉ có một con đường: tranh đấu cho Tự Do và Dân Chủ thực sự được sớm hồi phục trên quê hương đau khổ. Xin hoàn toàn ủng hộ "Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006". Đó là một bổn phận mà cũng là một hãnh diện của tất cả đồng bào quốc nội đương quằn quại dưới một chế độ bạo tàn và hải ngoại luôn hướng về đất nước thân yêu. Lê Mộng Nguyên (14/04/2006).”

Ô. Bùi Dương ở Mỹ viết: “Ủng hộ nhiệt tình vì từ khi mất nước đến giờ [tôi] luôn mong mỏi có được một tổ chức đứng lên giúp dân giúp nước nhưng một số vì thời gian mòn mỏi và lại chỉ là tổ chức ở nước ngoài nên không hữu hiệu. Nay chính nhân dân trong nước đã có những người hy sinh chịu sóng gió đứng lên hô hào cho tự do dân chủ. Chúng tôi thấy như thế là cửa đã hé mở. Mỗi người trong và ngoài nước cùng đứng lên nhất là hiện tình nước ta hiện nay đã nói lên bao nỗi khổ đau của đồng bào và những cái tàn khốc vô loài của tụi cầm quyền. Mừng đây có thể là một nhân tố giúp cho phong trào giải phóng quê hương thành công vì toàn dân đã ý thức được tự do, dân chủ mới cứu được đất nước. Hoan hô và ủng hộ. Xin được biết việc đóng góp tài vật như thế nào vì có thực mới vực được đạo?”

Đồng bào trong nước nghĩ gì?

Số người trong nước ký tên ủng hộ bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 khá nhiều, mặc dù phương tiện Internet còn rất giới hạn ở Việt-Nam. Sau đây là tiếng nói của những người này. Họ là nạn nhân trực tiếp của chế độ độc tài tham nhũng vượt quá sự tưởng tượng của mọi người. Vì lý do an ninh, chúng tôi tin rằng những người này không dùng tên thật của mình.

Nhóm làm vệ sinh trong công ty Legend Saigon viết rất giản dị nhưng thật cảm động: "Các anh chị có bản lĩnh hãy cứu quốc gia và cứu chúng em với. Chúng em muốn tham gia phong trào mà không có lấy 4000 VND để vào Internet đọc thư và xem tin tức của qúi vị."

Em Vương Thiên Nương ở Nha Trang trình bầy hoàn cảnh khó khăn của gia đình em vì căn nhà từ đời ông nội bị quy hoạch nhưng không được bồi thường đầy đủ. Cuối thư em viết: "Em rất bức xúc và mong rằng phong trào DC [Dân Chủ] sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho chúng em. Em sẽ in bản này về cho Ba em đọc, chắc Ba rất thích, và đó là liều thuốc Hy Vọng [viết hoa] cứu ba mẹ trong lúc trầm cảm này."

Nhóm Cựu Chiến Binh ở Hà Tây, miền Bắc Việt-Nam viết: "Chúng tôi đã hy sinh một phần thân thể cho Đảng CSVN, nhưng hôm nay anh em chúng tôi là nạn nhân của chính quyền 'vì dân, do dân,...' không có việc làm, vợ con chúng tôi đi làm thuê, ở đợ cho các ông cán bộ cao cấp nhà nước, hy sinh thân xác cho một lý tưởng mơ hồ giả tạo..."

Ông/bà Nguyễn Tường Vi ở Saigon kêu gọi thống thiết như sau: "Hãy giúp chúng tôi. Cho chúng tôi được quyền làm người ở Việt-Nam."

Ô. Thi Văn Tâm, Thiếu Tướng Công An Nhân Dân ở Hà Nội viết: "Cá nhân tôi ủng hộ Tuyên Ngôn Dân Chủ [viết hoa]." Điều này cho thấy không phải đảng viên hay công an CSVN nào cũng xấu cả. Khi thời cơ cho phép đa số cũng sẽ sẵn sàng đứng vào hàng ngũ tự do dân chủ, vì đó là nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt-Nam, vì đó là tương lai của dân tộc.

Ô. Nguyễn Dân Việt, một đảng viên Cộng Sản ở Việt-Nam viết: “Cám ơn các nhà dân chủ trong nước, các anh chị là những người anh hùng, nhân dân và dân tộc Việt sẽ tri ân các anh chị. Là một đảng viên Cộng Sản nhưng tôi vẫn hằng mong ước đến ngày lực lượng dân chủ lớn mạnh, đứng lên cùng nhân dân lật đổ bọn độc tài phát xít đỏ, tham nhũng, thối nát, giành lại tự do dân chủ cho nhân dân.”

Em Trần Quốc Dũng, một sinh viên thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, phản ảnh nhiệt huyết của tuồi trẻ như sau: "Đất nước không thuộc về của riêng ai. Đảng CSVN không được độc quyền cai trị, cấm các đảng phái khác. Đất nước này thuộc về thế hệ trẻ chúng tôi. Tương lai dân tộc không phải do Đảng CSVN quyết định mà phải do 84 triệu người quyết định. Các bạn và tôi phải biết đứng lên, ngẩng cao đầu, chọn một ngày 'xuống đường', đòi quyền tự do ngôn luận, các quyền cơ bản khác. Các bạn công nhân trẻ! Hãy đứng lên đòi thành lập Công Đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cơ bản cho công nhân. Hỡi các bác nông dân! Đứng lên chống bọn cường hào, ác bá đỏ cướp đất đai. Do vậy anh chị em sinh viên chúng tôi đề nghị các bạn trẻ, công nhân và các bác nông dân cùng nhau xuống đường tại thủ đô Hà Nội vào ngày 2/9/2006. Anh em chúng tôi sẽ tìm cách liên lạc với các cơ quan truyền thông quốc tế, các tổ chức quốc tế yêu chuộng tự do dân chủ ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của chúng ta. Anh em chúng tôi sẽ phổ biến thêm nhiều chi tiết cần thiết."

LM Phan Văn Lợi, một trong 118 nhà đấu tranh dân chủ quốc nội có tên trong Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006, sau khi hay tin về chiến dịch lấy chữ ký ủng hộ bản Tuyên Ngôn ở hải ngoại, vào ngày 14.4.2006 đã viết như sau cho Mạng Lưới Nhân Quyền Việt-Nam:

“Tôi vừa vào xem cả hai [bản kiến nghị trên PetitionOnline]: tiếng Việt có 250 chữ ký và tiếng Anh có 50. Chúng tôi hết sức cảm động khi thấy có chữ ký của nhiều cựu đảng viên và cựu sĩ quan quân đội Cộng sản. Danh sách 126 ngươi tiên phong mà Bác đã gởi cho chúng tôi thì chứa tên tuổi của hầu hết các nhà đấu tranh nổi tiếng tại hải ngoại, những vị rất có thế giá. Điều đó đã làm cho quốc nội hết sức phấn khởi. Xin hết lòng cảm ơn Quý vị tiên phong ủng hộ nói chung và MLNQVN nói riêng đã luôn luôn sát cánh với các nhà đấu tranh trong nước. Chúng ta tin chắc rằng danh sách này sẽ tiếp tục dài ra. Chúng tôi hy vọng hải ngoại sẽ có những sáng kiến để tác động lên các chính phủ, quốc hội và các tổ chức quốc tế, ngõ hầu họ sẽ hỗ trợ dân Việt chúng ta.”

Kết luận

Nói chung, phản ứng trong và ngoài nước rất thuận lợi đối với Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 Cho Việt-Nam Của 118 Nhà Đấu Tranh Dân Chủ Quốc Nội. Thời điểm công bố bản Tuyên Ngôn này, 10 ngày trước ngày khai mạc Đại Hội X, cũng rất là thích hợp. Trong khi CSVN lúng túng về nhiều vấn đề nhức nhối lớn như vụ tham nhũng PMU 18 lan rộng, các cuộc đình công tiếp diễn, các vụ khiếu kiện đất đai gần như không dứt, vụ buôn bán thiếu nhi và phụ nữ, cuộc tranh chấp trong nội bộ Đảng CSVN đặc biệt trong thời gian chuẩn bị Đaị Hội X, việc gia nhập WTO gặp khó khăn, danh sách CPC, Nghị Quyết 320 của Hạ Viện Hoa-Kỳ, Nghị Quyết 1481 của Quốc Hội Âu Châu, v.v. , dân ngày càng bất mãn, các nhà đấu tranh dân chủ quốc nội đã nắm lấy thời cơ để đẩy mạnh phong trào dân chủ ở trong nước.

118 nhà dân chủ Việt-Nam đã quyết tâm sống chết với cuộc đấu tranh dành lại tự do và công bằng cho đất nước. Toàn dân Việt trong và ngoài nước “xin tri ân những nhà Anh Hùng Cách Mạng. Bản Tuyên Ngôn đã nói lên tinh thần yêu nước, thương dân, yêu công chính của những nhà dân chủ.” (Nguyễn Tánh, Texas, Hoa-Kỳ).

Danh sách ký tên cá nhân và tập thể còn dài, mặc dù phần lớn đồng bào trong nước thiếu phương tiện truyền thông, nhưng tựu trung đều nhiệt liệt ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 với phần góp ý: “Tự do Dân chủ sẽ thắng. Người Việt sẽ hạnh phúc. Đã tới lúc bạo lực không còn làm người dân sợ hãi nữa. Người Việt trong và ngoài nước tận lực đóng góp cho cuộc đấu tranh hầu đất nước có Tự do Dân chủ và phú cường...”

Sau khi hệ thống cộng sản Nga Sô và các nước Đông Âu bị phá vỡ, học thuyết cộng sản đã trở thành lỗi thời, cộng sản Việt Nam vẫn nhắm mắt theo chủ nghĩa Mac-Lenin, tạo dựng một chế độ độc tài, ngăn chặn bước tiến của dân tộc. Trong giai đoạn sôi động này, bản “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006” là lời kêu gọi toàn dân đứng dậy, loại bỏ chế độ đi ngược lại ước vọng và quyền lợi của dân tộc.

Cộng đồng người Việt hải ngoại hãy tiếp tay, hậu thuẫn cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước đang dấn thân trước những đe dọa, áp bức tù đầy của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam. Sự hỗ trợ nồng nhiệt của người Việt trong và ngoài nước ủng hộ Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006, sẽ là động lực đẩy mạnh cuộc đấu tranh tới thắng lợi, để đất nước sớm có Tự do Dân chủ.

Độc giả có thể tìm đọc nguyên văn bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 và bản dịch sang tiếng Anh trên mạng www.vietnamreview.com.


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN


______________________________________________________